Năm 1880, xưởng sản xuất Edison Lamp Works bắt đầu sản xuất bóng đèn. Một năm sau, xưởng này có pháp nhân chính thức với tên Edison Electric Lamp Company. Cùng năm này, xưởng sản xuất Edison Machine Works bắt đầu sản xuất dynamo (bộ phát điện một chiều) và mô tơ điện để sử dụng cho các hệ thống do Thomas Edison sáng chế. Lúc này Thomas Edison mới 34 tuổi.
Trong vài năm tiếp theo, tài phiệt phố Wall bắt đầu đổ tiền vào các doanh nghiệp của Edison. Edison Machine Works sáp nhập một loạt các công ty của Edison, bao gồm Edison Electric Lamp Company (công ty sở hữu các bằng sáng chế đèn điện của Edison) và một công ty đầu tư tài chính do J.P.Morgan hậu thuẫn (công ty này vốn đã đầu tư vào các nghiên cứu của Edison và cộng sự). Sau sáp nhập, công ty mới có tên Edison General Electric Company.
Hơn 10 năm sau, năm 1896, công ty này IPO và là một trong 12 công ty đầu tiên tạo nên chỉ số Dow Jones công nghiệp (DJIA). Công ty ở trên sàn chứng khoán suốt 120 năm, từ năm 1896 đến nay, và chính là tập đoàn General Electric (GE). Các lĩnh vực mà GE tham gia trải rộng từ đồ điện tử gia dụng, đến phần mềm, năng lượng, dầu khí, hàng không và vũ khí. Doanh thu năm 2015 của tập đoàn GE là 140 tỷ dollar Mỹ.
*
Rất nhiều thế hệ thanh niên lớn lên ở miền bắc ngày trước rất quen thuộc với nhà sáng chế vĩ đại người Mỹ Tô-mát Ê- đi-sơn (Thomas Edison) qua một cuốn sách cùng tên. Cuốn sách ấy mô tả Edison như một cậu bé nhà nghèo, phải thôi học để đi làm từ khi còn là thiếu niên. Sau này ông phát minh ra nhiều thứ kì diệu, từ điện báo, đèn điện đến máy hát, máy quay phim, tàu điện. Tất cả là để phục vụ cuộc sống con người, đặc biệt là người lao động.
Cuốn sách không hề mô tả Edison như một nhà công nghiệp có tầm nhìn, một doanh nhân khôn ngoan, một doanh chủ start-up cứng đầu, sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao nhất. Mà đấy mới là những phẩm chất để Edison làm nên những kỳ tích của mình, và qua đó làm thay đổi cuộc sống không chỉ người dân Mỹ mà cả nhân loại.
Henry Ford, người đã thay đổi diện mạo không chỉ ngành xe hơi, mà cả nền công nghiệp Hoa Kỳ, đã có may mắn làm việc cùng, rồi trở thành người bạn lâu năm của Edison. Năm 1930 Henry Ford xuất bản cuốn sách Edison as I know him (bản tiếng Việt của Alpha Books có tên Edison như tôi biết).
Cuốn sách cho ta biết gia đình Edison không nghèo. Nhận ra con mình là đứa trẻ khác người, mẹ Edison đã xin cho Edison thôi học để tự mình dạy con cho nên người. Cuốn sách mà cậu bé Edison yêu thích nhất và cũng là nguồn cảm hứng để cậu muốn trở thành nhà hóa học là cuốn Natural and Experimental Philosophy của Richard Green Parker, một cuốn sách kiểu wikipedia đơn giản về khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Lúc này Edison mới 9 tuổi.
Cha mẹ Edison không ngăn cản con trai mình tự làm các thí nghiệm ở nhà. Chỉ có điều hóa chất hồi đó có lẽ rất đắt, cha mẹ không đáp ứng nổi, nên Edison lúc đó mới chừng 12-13 tuổi đã xin một chân bán báo trên tàu lửa để có tiền chi trả cho niềm đam mê nghiên cứu của mình. Tiền bán báo không đủ, Edison đã tự xuất bản một tờ báo nhỏ, in ngay trên tàu, để có thêm nguồn thu cho phòng thí nghiệm tí hon của mình.
Cũng vì làm việc trên tàu hỏa mà Edison đã có lần dũng cảm cứu được một em bé, con của một nhân viên điện báo hỏa xa. Ông này đã dạy Edison nghề điện báo, và từ đây đam mê của Edison đã chuyển từ “hóa” sang “điện”.
Nói theo ngôn ngữ thời thượng của ngày nay, Edison đã khởi sự doanh nghiệp start-up của mình, tự xoay sở kiếm ra vốn seeding/angel bằng các nguồn thu từ các “doanh nghiệp” làm thêm bằng tay trái.
Henry Ford đánh giá Edison đã rất tiên phong trong tự kiếm nguồn tài trợ cho các nghiên cứu phát triển của mình. Sau này, khi trở thành nhà công nghiệp, doanh chủ và nhà sáng chế hàng đầu thế giới, Edison vẫn rất thiện nghệ trong việc mà ngày nay các doanh nghiệp start-up gọi là “gọi vốn”. Henry Ford cho ta biết Edison rất ghét những kẻ thiếu óc hài hước, mà các nhà đầu tư đến từ Phố Wall là những kẻ như vậy. Nhưng ông nhẹ nhàng chấp nhận họ vì “họ cần ông cho mục đích của họ, còn ông dùng họ cho mục đích của ông”. Cách tiếp cận này gợi ta nhớ đến tỷ phú Jack Ma (Mã Vân), ông chủ tỷ phú của Alibaba, sẵn sàng chấp nhận giảm sở hữu của mình trong công ty để lấy chỗ cho các tay tư bản cá mập như Masayoshi Son bỏ vốn vào.
Henry Ford cũng cho ta biết, chính Edison (chứ không phải Henry Ford) mới là người đầu tiên áp dụng phương thức sản xuất hàng loạt để những sản phẩm công nghiệp tiên tiến nhất có giá thành thấp nhất, và do đó nhiều người dân có thể sử dụng nhất. Noi gương Edison, Henry Ford đã áp dụng tư duy cấp tiến này vào việc sản xuất chiếc ô tô Ford Model T, biến ô tô vốn là sản phẩm xa xỉ trở thành sản phẩm mà mọi gia đình Mỹ đều có thể sở hữu được.
Khi công ty của Edison lên sàn chứng khoán ở Mỹ, ở nước ta vua Thành Thái vẫn đang trên ngai vàng còn Paul Doumer vẫn chưa qua Đông Dương nhậm chức. Nhưng quan trọng hơn, nhìn vào độ mở của giáo dục, gia đình và xã hội, ngay cả ở Việt Nam bây giờ sẽ rất hiếm một bà mẹ dám mang con mình về nhà tự dạy học, hiếm một người cha dám cho con nghịch ngợm với một đống hóa chất sẵn sàng nổ tung, và bởi vậy sẽ rất hiếm những đứa trẻ dám đi làm thêm để có tiền nuôi dưỡng những đam mê khoa học của mình.
Có lẽ ở Mỹ ngày nay cũng khó có một Edison như thế. Nhưng may mắn thay, họ có những Edison kiểu khác. Những Edison không chỉ hiện đại hơn, tất nhiên, mà còn Hollywood và Marvel hơn.
Thomas Edison dũng cảm đi vào những địa hạt chưa ai dám đặt chân đến. Khi thế gian còn dùng đèn khí đốt, Edison đã nghĩ đến đèn điện. Để làm ra đèn điện và bán cho có lãi, ông đã tiên phong thực hiện những việc mà ngày nay trở thành tiêu chuẩn của mọi ngành công nghiệp. Thay vì tự mình nghiên cứu phát triển sản phẩm, ông thuê rất nhiều kỹ sư về cùng làm. Phòng nghiên cứu của ông ở Melon Park được coi là phòng Lab nghiên cứu phát triển đầu tiên của loài người. Để bán được đèn, ông cũng phát triển các máy phát điện có hiệu suất cao, các hệ thống truyền tải điện ít tiêu hao, rồi triển khai trên diện rộng. Khi có hệ thống truyền tải điện, Edison không chỉ bán bóng đèn, ông phát triển thêm nhiều sản phẩm khác để tạo nên cái mà ngày nay người ta gọi là hệ sinh thái.
Mặc dù thua cuộc trong cuộc chiến dòng điện “Một chiều vs Xoay chiều” mà Edison là thủ lãnh phe Một chiều, điện thế dân dụng 110Volt của Mỹ, các ổ cắm, phích cắm và đui đèn điện, vẫn còn tồn tại đến hiện nay, là do Edison thiết kế, hoặc phát triển, và quan trọng nhất là đưa vào ứng dụng trên diện rộng để biến nó thành tiêu chuẩn công nghiệp. Việc thua cuộc này khiến cho tên Edison bị rớt khỏi tên công ty GE sau khi sáp nhập với phe thắng cuộc là công ty Thomson-Houston Electric Company.
Sau này Steve Jobs cũng bị đá ra khỏi công ty Apple do mình sáng lập, khởi nghiệp lại từ đầu với Next. Apple và Steve Jobs cũng làm cho chuột máy tính, giao diện đồ họa, cổng USB … phổ cập trong ngành máy tính cá nhân.
*
Cách nay hơn 3000 năm, thế giới còn rất nhỏ bé, chiến tranh liên miên, và chưa có chữ viết. Hồi đó có những người Phoenicia rất khéo tay, có tài xây dựng và khéo buôn bán. Họ còn rất dũng cảm, dong buồm vượt biển đi phiêu lưu khắp nơi, từ Bắc Phi đến Nam Âu để kiếm tiền nhờ buôn bán và xây dựng. Để liên lạc về quê hương, họ phát minh ra chữ cái để viết thư. Chữ cái của người Phoenicia là cái gốc hình thành chữ Hy Lạp, chữ Latin. Rồi khi Ferdinand Magellan dong buồm khám phá địa cầu, những nhà buôn và nhà truyền giáo theo chân ông đã đến vùng đất mà ngày nay là Quảng Nam của Việt Nam. Từ đây, chữ quốc ngữ dựa trên bảng chữ cái Latin và cách đánh vần của người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, như ta đang dùng hiện nay, đã hình thành.
Trái với đám người phương tây thích phiêu lưu tìm những chân trời mới, người Việt chúng ta, lại khá tự hào bởi những thứ “nhà 10 đời sống ở phố cổ”, hoặc “xa Hà Nội mấy hôm đã thèm phở sáng”, và thích thú với cái kiểu giang hồ vặt “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Người Việt chúng ta cứ ngồi yên mà hưởng lợi từ không chỉ từ nền văn minh phương tây ngày nay, với iPhone của Steve Jobs, phần mềm Office của Microsoft, bóng đèn điện của Edison; mà chúng ta còn hưởng lợi rất nhiều từ phát minh của những người Phoenicia cổ đại và máu phiêu lưu của Magellan. Đó là những người dũng cảm dong buồm vượt bể, đi đến những vùng đất lạ, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ chính mình và dần dà phục vụ cả nhân loại.
Di sản của những kẻ tiên phong này, còn là một thứ mà ở Việt Nam người ta vừa căm ghét vừa ngưỡng mộ: Thuộc địa và văn minh thuộc địa.
*
Có một doanh nhân, và cũng là một nhà sáng chế, một nhà công nghiệp tiên phong không khác gì Edison đang nổi còn hơn một ngôi sao ở nước Mỹ. Anh chàng Edison kiểu mới này không chỉ xông vào những địa hạt kinh doanh mới, mà còn muốn chiếm những địa hạt ngoài không gian để làm thuộc địa cho loài người.
Anh ta không chỉ muốn thắp sáng loài người bằng ánh sáng điện, mà anh ta còn muốn giải cứu nhân loại.
Người hùng từ truyện tranh Marvel bước ra ngoài đời ấy chính là Elon Musk.
*
Elon Musk sinh ra (năm 1971) và lớn lên ở Nam Phi. Năm 18 tuổi anh di cư sang Canada và lấy quốc tịch nước này. Với một bộ não thiên tài, việc học hành của Elon Musk khá dễ dàng, anh chuyển tiếp sinh qua Mỹ và lấy hai bằng đại học ở hai trường đại học danh giá. Năm 1995, ở tuổi 24, Elon Musk chuyển đến California để học tiến sỹ Vật lý ở đại học Stanford. Anh đi học 2 ngày rồi bỏ học để khởi nghiệp ở thung lũng Silicon.
Sự nghiệp giải cứu thế giới của siêu nhân Musk bắt đầu.
Khác với hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp khác, Musk rất khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Khi đã thành triệu phú, anh vẫn tham gia các trò thể thao đòi hỏi cực kỳ nhiều thể lực và cả sự liều mạng. Khi là tỷ phú anh vẫn đưa các con của mình đi dự lễ hội của dân độ xe vốn rất bừa, bẩn và bựa. Lúc ở ngưỡng cửa phá sản, anh vẫn dùng máy bay riêng của mình đi làm từ thiện ở Haiti vào lúc bệnh dịch tả đang hoành hành đất nước này dữ dội. Anh đi các hộp đêm đắt tiền London, uống rượu với những cô gái đẹp nhất thế giới, cùng lúc điều hành vài công ty toàn là khởi nghiệp, làm việc có những lúc tới 23 tiếng đồng hồ một ngày, vẫn dành thời gian chơi với đám tỷ phú công nghệ, mượn nhà của họ cho bạn gái ở nhờ trong lúc bản thân mình sắp vỡ nợ, mượn tiền của họ để trả lương nhân viên khi công ty sắp phá sản, và vẫn tài trợ hàng núi tiền cho cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa.
Anh làm tất cả mọi thứ để có thể một ngày nào đó công ty SpaceX của anh chiếm Sao Hỏa làm thuộc địa, biến hành tinh chết ấy thành nơi có thể sống được, rồi đưa loài người lên sống.
*
Giống như Edison, khi còn bé Elon Musk là một đứa trẻ hiếu học và hiếu động. Có năng khiếu lập trình, ham đọc sách và có những lúc bị bắt nạt ở trường học. Bộ sách mà Musk thích có tên The Hitchhiker’s Guide to the Galaxy.
Cũng giống như Edison, Elon Musk có khiếu kiếm tiền. Năm 12 tuổi, Elon Musk đã tự lập trình một video game và bán nó cho một tạp chí máy tính với giá khoảng 500 dollar.Lúc mới nhập cư vào Canada, với lợi thế về ngoại hình và thể lực, Musk bán sức lao động của mình bằng cách làm những nghề cực kỳ vất vả. Khi đang là sinh viên ở đại học Pennsylvania, Musk và bạn học thuê nhà hộ sinh để làm hộp đêm trá hình, bán vé thu tiền. Người thu ngân, rất thú vị, là mẹ của Musk.
Rời đại học Stanford sau hai ngày học tiến sỹ, Elon Musk và em ruột của anh là Kimbal (sinh năm 1972) quyết định khởi nghiệp ở thung lũng Silicon. Cũng như các doanh nhân cùng thời đại, Elon bắt đầu với một xu thế mới mẻ đang xuất hiện: internet và web. Công ty có tên là Zip2, nhà đầu tư vốn hạt giống (seeding) chính là cha của hai anh em Musk. Ông Errol Musk, lúc này vẫn sống ở Nam Phi, đã gửi cho anh em Mush 28 ngàn dollar. Sau này khi Elon Musk nổi tiếng, có người lên Quora hỏi về cha của Elon. Ông Errol Musk tự lập một tài khoản Quora và viết: “Mấy thằng kia, đừng có viết gì về tao đấy. Cám ơn”.
Những tháng đầu tiên của Zip2 là thời gian rất khó khăn của anh em Musk. Họ túng đến ức phải ở luôn công ty, ăn đồ ăn nhanh rẻ tiền và tắm nhờ ở cơ sở của YMCA (Jack Ma khi khởi nghiệp cũng sử dụng cơ sở của YMCA ở Hàng Châu). Thành công lớn đầu tiên của Zip2 là hợp đồng ký với hai tờ báo lớn là New York Times và Chicago Tribune.
Năm 1999, Compaq, một công ty máy tính rất lớn hồi đó, mua lại Zip2 với giá hơn 300 triệu dollar. Musk thu về 22 triệu dollar và trở thành triệu phú ở tuổi 28 và sau 4 năm khởi nghiệp.
Trong 10 năm tiếp theo, Elon Musk đầu tư vào Paypal, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này trước khi bán nó cho eBay với giá 1.5 tỷ dollar. Musk thu về 165 triệu.
Với số tiền này, Musk bắt đầu hiện thực hóa tham vọng giải cứu thế giới, mà việc đầu tiên là “xâm lược Sao Hỏa để làm thuộc địa cho loài người”.
*
Trong bộ phim khoa học giả tưởng có tên The Martian (2015), một phi hành gia (Matt Damon đóng) bị bỏ rơi trên một hành tinh không có sự sống. Nhờ kiến thức khoa học và nghị lực phi thường, anh chàng này không những sống sót mà còn tạo thêm sự sống trên hành tinh chết này.
Năm 2001, ở tuổi 30 tròn, Elon Mush bắt đầu dựng mô hình “Ốc Đảo Sao Hỏa”. Anh muốn đưa lên sao hỏa một nhà kính để làm các thí nghiệm sinh học và nông học, đặt những viên gạch đầu tiên cho một sự sống trên Sao Hỏa. Ý nghĩ đầu tiên của anh là tìm mua động cơ phóng của tên lửa, loại hàng second-hand, của Nga.
Mua tên lửa chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Tên lửa mà Musk muốn mua thuộc loại liên lục địa, một thiết bị luôn được coi là đồ quân sự và chịu quản lý cấp quốc gia, luôn là một việc nguy hiểm, luôn ở ranh giới vi phạm pháp luật. Sau hai chuyến đi mạo hiểm như phim gián điệp đến Moscow, Musk và đồng đội thất bại. Thất bại này, khá giống với bước ngoặt học điện tín của Edison, đã đưa Musk đến một quyết định điên rồ: thành lập công ty vũ trụ tư nhân SpaceX.
Lĩnh vực hàng không vũ trụ, cho đến trước khi Elon Musk bước chân vào, là một lĩnh vực trì trệ và quan liêu. Nó luôn được coi là một lĩnh vực do nhà nước đầu tư và quản lý. Nó tiêu tốn vô cùng nhiều tiền, kém hiệu quả, nếu nhìn từ quan điểm đầu tư. Nó không có cạnh tranh. Nhất là sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, hai siêu cường Nga Mỹ không còn đối đầu nhau trong lĩnh vực không gian. Sự cố với dự án tàu con thoi của Mỹ khiến chương trình này bị ngưng vô thời hạn. Rồi Trung Quốc bắt đầu nổi lên như một cường quốc chinh phục không gian với chi phí thấp (mà Musk khinh khi cho là nhờ nhân công rẻ). Mỹ bắt đầu đánh mất lợi thế phóng tên lửa đưa vệ tinh vào không gian, để rơi các hợp đồng phóng vệ tinh vào tay Nga và Trung Quốc. Thậm chí để phóng vệ tinh của mình, NASA phải thuê Nga bắn tên lửa đưa vệ tinh của mình lên quỹ đạo.
Elon Musk đã có “chiến lược đại dương xanh” của chính mình. Anh mở một công ty start-up để nhảy vào một mảng thị trường khổng lồ và không có cạnh tranh. Một tư duy hoàn toàn sáng suốt, chỉ hơi điên rồ ở chỗ đó là thị trường phóng tàu vũ trụ. Lập luận cơ bản của Musk cho hướng đi này rất đơn giản, ngành công nghiệp không gian đã phát triển rất chậm trong khoảng 50 năm, không có cạnh tranh, sản phẩm rất đắt đỏ. Theo tính toán ban đầu của Musk, chi phí phóng môt tàu vũ trụ có khối lượng 250 kg chỉ tốn khoảng 6.9 triệu dollar, trong khi chi phí phóng hiện hành đang vào khoảng 30 triệu dollar. Một khoảng chênh lệch lớn đến mức một doanh nhân gà mờ nhất cũng nhận ra. Nhưng để biến thành hiện thực phải là một doanh nhân sáng suốt kiêm một nhà sáng chế điên rồ như Musk mới có thể làm được.
Không chỉ táo bạo về chiến lược, Musk còn mang tính phóng khoáng, lãng mạn, ngây ngô và cả khắc nghiệt nữa, của văn hóa và tinh thần start-up vào công ty vũ trụ tư nhân SpaceX. Tất nhiên, SpaceX lúc mới ra đời, dù có tới 100 triệu dollar tiền cá nhân của Musk, cũng vẫn là một công ty start-up.
Bản thân Musk chỉ học hỏi kiến thức về tên lửa từ một cuốn sách cũ nát mua trên Amazon. Nhưng với tầm nhìn xa và ý chí mạnh mẽ, Musk muốn công ty mình tự sản xuất, toàn bộ và tất cả, mọi thành phần và thiết bị của tên lửa. Tên lửa ấy phải an toàn, bền và quan trọng nhất là có thể sử dụng nhiều lần. Sản xuất phải đủ nhanh và đủ rẻ để dễ bề thương mại hóa kiếm lời.
Musk thực hiện việc này, bắt đầu với xưởng sản xuất tương đối nghèo nàn và sơ sài, với đội hình các giám đốc toàn sao và một đám kỹ sư đa phần là trẻ, cực kỳ tài năng và tương đối nghiệp dư so với các chuyên gia thực sự của ngành tên lửa và vũ trụ. Câu chuyện nhân sự của SpaceX cũng phản ánh chiến lược thiên tài của Musk. Lần đầu tiên, các sinh viên tài năng nhất, từ các khoa hàng không vũ trụ của các đại học lớn nhất, có một đích đến là một công ty tư nhân vũ trụ, mà còn là khởi nghiệp. Tiếng lành vang xa, các kỹ sư hàng đầu của Boeing, Lockheed Martin cũng chuồn khỏi những công ty già cỗi để đến với SpaceX trẻ trung, cởi mở và chứa đầy rủi ro, một thứ rủi ro gây khoái cảm.
Ở SpaceX, cũng như ở Tesla Motors, các kỹ sư làm việc không ngừng nghỉ đến kiệt sức, làm tất cả mọi việc họ cần phải làm, thay vì giao cho chuyên gia khác hay thuê công ty bên ngoài. Họ phải hoàn thiện tất cả mọi thứ trong thời gian không phải là ngắn nhất. Khi nghe được lời phàn nàn của một kỹ sư, rằng anh này rất ít được về nhà với gia đình, triệu phú Musk đã nói một câu đầy tinh thần khởi nghiệp: “Đợi đến khi công ty phá sản, anh sẽ tha hồ có thời gian với gia đình”.
Để tiết kiệm chi phí nghiên cứu thử nghiệm, Musk thuê một bãi phóng tên lửa cũ của quân đội Mỹ trên một hòn đảo rất hoang sơ tên là Kwaj nằm giữa Guam và Hawaii trên Thái Bình Dương. Những kỹ sư của SpaceX đã phải ra hòn đảo này, phóng thử hết quả tên lửa này đến quả tên lửa khác, mà toàn là thất bại. Khiến cho ông chủ Musk, cùng lúc này dính vào vụ li dị vợ, đi xuống đến sát vùng đáy của cuộc đời mình.
Các câu chuyện trên đảo Kwaj, thất bại của SpaceX giai đoạn này, các bê bối của Elon Musk, đều nằm trong chương 6 của cuốn sách Elon Musk, do nhà báo Ashlee Vance viết (bản tiếng Việt của Alpha Books). Đây là chương mà theo tôi là quyến rũ và gây phấn khích mạnh nhất trong cuốn sách. Các kỹ sư của SpaceX sống trên đảo như những tay du lịch hoang dã kiểu Robinson, sinh hoạt như những quân nhân, và làm việc như nô lệ dưới sự áp bức của lãnh chúa tên là Musk. Họ làm như điên, sáng tạo như điên, và hưởng thụ thiên nhiên hoang dã cũng như những kẻ điên.
Hai sản phẩm chính của SpaceX giai đoạn này là động cơ tên lửa Falcon 1 và Falcon 9. Ba lần đầu tiên phóng thử chiếc Falcon 1 đều thất bại và đẩy Musk vào miệng vực phá sản. May mắn thay, lần phóng thứ 4 vào năm 2008, đã thành công.
Musk và đồng nghiệp của mình đã mất 6 năm và cùng bao nhiêu công sức và cả một núi tiền, để trở thành công ty vũ trụ tư nhân hàng đầu thế giới. Hai tháng sau khi phóng tên lửa thành công, SpaceX nhận được hợp đồng trị giá 1.6 tỷ dollar từ NASA. Số tiền này để trả cho SpaceX phóng 12 chuyến bay tới trạm vũ trụ quốc tế ISS. SpaceX đã thực hiện tốt nhiệm vụ này và là công ty tư nhân đầu tiên có tàu vũ trụ kết nối với ISS. Tên chiếc tàu vũ trụ ấy là Dragon.
Falcon 1 phóng từ đảo Kwaj là sản phẩm khá nghiệp dư của một công ty khởi nghiệp, nhưng đến tên lửa khổng lồ cao 68 mét nặng 500 tấn Falcon 9 thì SpaceX đã trở thành tay chơi số 1 trong lĩnh vực phóng vệ tinh thương mại. Với chi phí phóng mỗi lần chỉ khoảng 60 triệu dollar Mỹ, và tiếp tục còn rẻ đi nữa, SpaceX đang bỏ xa các đối thủ cạnh tranh, không phải là các công ty mà là hai quốc gia Nga và Trung Quốc, trong thị trường dịch vụ phóng vệ tinh trị giá 200 tỷ dollar. (Điều này có nghĩa SpaceX cũng bỏ xa Châu Âu và Nhật, vốn có chi phí phóng vệ tinh rất đắt. Elon Musk, xét theo nghĩa nào đó, đã giúp một tay để cứu ngành công nghiệp vũ trụ của Hoa Kỳ).
Chính vì đối thủ của SpaceX không phải là các công ty mà là các quốc gia, SpaceX đã không đăng ký bất kỳ một sáng chế nào, bởi Musk không muốn lộ bài của mình cho Trung Quốc. Đây là điểm khác biệt giữa Musk và Edison. Edison nắm tới hơn 1.000 bằng sáng chế đăng ký dưới tên mình, tính riêng ở Mỹ.
Sơ đồ phóng Falcon 9 và thu hồi động cơ phóng của tên lửa (tầng 1)
*
Vào nửa cuối năm 2008, giai đoạn trước khi phóng thành công Falcon 1, cuộc đời Elon Musk thật bi đát. Ly dị vợ, chia tài sản, tiền bạc đốt như điên vào hai công ty khởi nghiệp là SpaceX và Tesla. Một siêu nhân như Musk, cuộc đời tưởng như đã sa cơ. Anh đón người yêu mới, ngôi sao người Anh của bộ phim Pride and Prejudice qua Mỹ chơi mà phải mượn nhà của tỷ phú Jeff Skoll cho người yêu ở.
Trong cuốn sách Elon Musk của Alpha Books xuất bản, ta có thể đọc được câu chuyện thú vị này. Riley, người yêu của Musk ở ngôi biệt thự sang trọng này được một tuần thì bỗng nhiên có một gã đàn ông lạ xuất hiện. Cô hỏi, anh là ai. Gã trả lời: tôi là chủ nhà, còn cô là ai. Sau khi biết Riley là người yêu của Musk, tỷ phú chủ nhà Jeff Skoll bỏ đi luôn.
Sau khi Musk cưới Riley, tình hình tài chính của Musk khó khăn đến mức bố mẹ vợ của anh ở Anh phải cầm cố nhà lấy tiền cho anh vay. Cũng trong thời gian này, Skoll phải cho Musk vay hàng trăm ngàn dollar để trả lương nhân viên ở Tesla. Hàng trăm ngàn dollar, quy ra tiền Việt là vài tỷ, con số mà các đại gia Việt Nam cho nhau vay không cần ký nhận. Hoặc đơn giản hơn, vài tỷ chỉ là chuyện lại quả của những thương vụ tầm thường. Nhưng trong một thế giới khởi nghiệp, phiêu lưu và đầy sáng tạo, vài tỷ bạc có thể cứu một công ty tầm cỡ như Tesla.
*
Ở Mỹ có những tay dị, cả đời chỉ thích nghịch máy móc. Từ bé đã thích tháo cái này ra lắp cái kia vào. Ở Việt Nam có lẽ cũng có những tay như thế, nhưng họ không bao giờ có điều kiện để nghịch cái này lắp cái kia. Thị trường không có sẵn phụ tùng để nghịch. Và quan trọng hơn, nếu có cậu bé nào dám nghịch như vậy sẽ xuất hiện ngay ai đó đại diện cho tổ dân phố, chính quyền, đến hỏi han và yêu cầu ngừng nghịch ngợm. Ở Việt Nam, không có chỗ cho các chú bé sáng tạo.
Những thanh niên nghịch ngợm và mê máy móc ở Mỹ không chỉ được nghịch mà còn được những trường đại học danh tiếng như Stanford ôm vào lòng, rồi khi tốt nghiệp, họ được thả vào thung lũng Silicon đầy tinh thần khởi nghiệp và vô số những quỹ đầu tư mạo hiểm, và có cả những tỷ phú điên rồ như Musk.
Để dễ tưởng tượng, sự kết nối giữa đại học, các nhà sản xuất và nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon rất giống các kỹ sư học Đại học Bách Khoa Thành Phố Hồ Chí Minh với các nhà sản xuất người Hoa có sẵn vốn, kinh nghiệm sản xuất, và phân phối sản phẩm. Đây là lý do khiến Quận 11 là cái trung tâm công nghiệp nhẹ Việt Nam suốt những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước. Điều này đang lặp lại ở quy mô nhỏ hơn, nhưng sâu sắc hơn, ở Thủ Đức với hàng loạt các trường đại học và khu công nghiệp xung quanh.
Có hai gã đàn ông như thế, mê xe hơi, và thích bảo vệ môi trường. Họ cũng biết rõ công ty khởi nghiệp cuối cùng trong lĩnh vực sản xuất xe hơi là Chrysler, ra đời từ tận 1925. Họ cũng biết cái nôi của xe hơi phải ở Detroit, nơi có sẵn hàng ngàn công nhân sản xuất xe hơi tay nghề cao, chứ không phải Silicon toàn máy tính. Nhưng hai người đàn ông ấy vẫn quyết tâm thành lập một công ty chuyên tâm làm xe hơi chạy điện vào năm 2003. Họ đặt tên công ty là Tesla Motors, theo tên của « nhà khoa học khùng » luôn đi trước thời đại là Nicola Tesla (Điều thú vị là Tesla có một thời gian làm việc cho phòng lab nghiên cứu của Edison.Xem thêm về Tesla ở đây.) Hai nhà sáng lập Tesla đã tự tài trợ cho công ty khởi nghiệp của mình cho đến vòng gọi vốn Serie A của quy trình gọi vốn mạo hiểm. Một trong hai sáng lập viên của Tesla, Martin Eberhard, sinh năm 1960, lúc này 43 tuổi. Năm 2004, chính Musk đã tham gia và dẫn dắt vòng gọi vốn Serie A cho Tesla, rồi nhập ban điều hành và trở thành chủ tịch công ty.
Ngành công nghiệp xe hơi, do Henry Ford khai sinh, đã đi một quãng đường đủ dài, đủ giàu, và trở nên già cỗi. Các công nghệ dùng trong động cơ xe hơi đã tiến hóa đầy đủ. Tesla, một công ty non trẻ, gần như là một tay mơ về công nghệ xe hơi, chỉ có lợi thế duy nhất là tinh thần trẻ trung, sáng tạo và chấp nhận rủi ro của một công ty start-up. Không phải một công ty start-up thông thường mà là công ty start-up của Thung lũng Silicon với tỷ phú điên rồ Elon Musk đứng chống lưng.
Các kỹ sư trẻ và tài năng ở đại học Stanford bắt đầu nhận ra sức hấp dẫn của công ty khởi nghiệp Tesla. Có người thậm chí bỏ học, gia nhập Tesla, chấp nhận lau sàn nhà, chỉ để được làm việc.
Quá trình phát triển nguyên mẫu đầu tiên, chiếc Roadster, gặp vô cùng nhiều khó khăn, nó đốt từng chục triệu dollar của Musk. Cho đến khi anh bắt đầu cạn ví và phải gọi sự trợ giúp từ hai tỷ phú sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin. Đến giữa năm 2008, chi phí phát triển chiếc Roadster đã đốt hết 140 triệu dollar, đồng thời thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính. Trên báo chí, chiếc Roadster bị coi là thất bại công nghệ của năm. Có những ngày có tới 50 bài báo nói về việc Tesla sẽ chết như thế nào. Tesla chỉ thoát chết nhờ phút cuối Elon Musk bán một công ty khởi nghiệp khác, mà anh em nhà Musk bỏ vốn vào, cho Dell và thu về 19 triệu dollar để nuôi tiếp Tesla.
Đến năm 2013, một lần nữa Tesla lao đao với dòng xe thứ hai: Model S. Có thời điểm Elon Musk phải đàm phán với Google để người khổng lồ internet bỏ ra khoảng 6 tỷ dollar để mua lại Tesla và giữ cho công ty không ngừng hoạt động. Cùng lúc này, bá đạo và ác nghiệt không kém gì Jack Ma ở Alibaba, Musk bắt 500 nhân viện của Tesla phải ra ngoài đường đi bán hàng. Và họ đã làm được điều kì diệu, họ bán được một lượng xe khổng lồ, và lần đầu tiên Tesla có lãi: 11 triệu dollar tiền lời trên 562 triệu dollar doanh thu. Cổ phiếu Tesla tăng từ 30 dollar lên 130 dollar.
Thỏa thuận dang dở với Google bị chấm dứt.